ƯU ĐIỂM ĐIỆN MẶT TRỜI VÀ PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ TẤM PIN QUANG ĐIỆN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phát triển năng lượng tái tạo và những vấn đề liên quan đã giao: Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan khẩn chương nghiên cứu, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tấm quang điện và phương án xử lý tấm quang điện sau khi đã hết thời hạn sử dụng nhằm đảm bảo các yêu cầu về công nghệ, an toàn môi trường

 

Hiện tại, các nguồn thủy điện lớn đã cơ bản được khai thác hết, các nhà máy nhiệt điện than mới rất khó thu xếp huy động vốn đầu tư do cam kết cắt giảm khí thải nhà kính toàn cầu từ các tổ chức tài chính quốc tế, các nhà máy điện khí hóa lỏng nhập khẩu phụ thuộc rất nhiều vào giá dầu khí thế giới và hiện nay giá bán điện còn khá cao… trong khi nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội vẫn duy trì ở mức khá cao khoảng 8-9%/năm tới năm 2030 là một thách thức lớn đối với ngành điện.

Bên cạnh đó, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng thiên nhiên khá về điện năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, hiệu suất của các thiết bị điện mặt trời, điện gió tăng lên dẫn đến giá thành sản xuất điện gió điện mặt trời cũng giảm nhanh có thể cạnh tranh với các nguồn điện truyền thống như điện than, điện khí… Do đó, phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) trong thời gian tới là một xu thế tất yếu.

Lợi ích của điện NLTT đã rất rõ ràng, có thể phân thành các nhóm như:

– Về môi trường: đây là nguồn năng lượng sạch, ít phát thải môi trường, không sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, khí đang dần cạn kiệt, sử dụng năng lượng gió, mặt trời là nguồn năng lượng vô hạn. Phát triển NLTT giúp giảm các nguồn điện truyền thống sử dụng nhiên liệu hóa thạch như điện than, điện khí. Các nước trên thế giới đang hướng đến phát triển NLTT để đạt cam kết, mục tiêu cắt giảm phát thải nhà kính quốc gia. Do đó, Việt Nam khi phát triển NLTT cũng tham gia vào thực hiện mục tiêu môi trường quốc tế.

– Về xã hội: Phát triển NLTT giúp tạo thêm việc làm trong lĩnh vực này, đặc biệt là lao động địa phương, sử dụng những vùng đất khô cằn, có giá trị nông nghiệp thấp.

– Về mặt kinh tế, đầu tư: nguồn điện NLTT không sử dụng nhiên liệu đầu vào do đó không phải khai thác, nhập khẩu nhiên liệu. NLTT có quy mô từ nhỏ đến lớn do đó dễ dàng thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội, đặc biệt điện mặt trời mái nhà là nguồn điện phân tán có rất nhiều ưu điểm. Điện mặt trời mái nhà là nguồn điện sạch, tái tạo có tính chất phân tán, quy mô nhỏ, được tiêu thụ tại chỗ, giảm tổn thất của quá trình truyền tải, phân phối, tận dụng hạ tầng lưới điện hiện có của ngành điện, có thời gian phát chủ yếu vào ban ngày, trong giờ cao điểm của hệ thống điện giúp giảm đỉnh phụ tải, tận dụng được diện tích mặt bằng mái nhà tại các khu dân cư, doanh nghiệp vốn đã có sẵn cơ sở hạ tầng lưới điện đầy đủ, thuận tiện trong việc đấu nối, ít tác động đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất … Do đó, điện mặt trời mái nhà cần được tiếp tục khuyến khích phát triển, khuyến khích các thành phần kinh tế như hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia đầu tư để cấp điện tự dùng và phần dư bán lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Điện mặt trời sử dụng công nghệ quang điện, biến đổi quang năng thành điện năng. Tấm quang điện chia thành 02 nhóm công nghệ chính, được sử dụng rộng rãi là công nghệ màng mỏng và công nghệ đơn/đa tinh thể.

Một tấm quang điện (Solar panel) được cấu tạo và bao gồm các vật liệu chính như sau:

– Khung được làm bằng nhôm.

– Kính cường lực.

– Tế bào quang điện (Solar Cell) là tấm silic dạng đơn/đa tinh thể hoặc màng silic mỏng. Kính cường lực và tế bào quang điện được sản xuất từ cát với thành phần chủ yếu là Oxit Silic (SiO2)– thường dùng để sản xuất các đồ dùng như chai lọ thủy tinh đựng thức ăn…

– Lớp màng bao bọc EVA (Ethylene Vinyl Acetate): là loại vật liệu polymer kết hợp giữa Ethylene và Acetate, đã được ứng dụng rộng rãi trong ngành may mặc, giày dép, công nghiệp phụ trợ….

– Hộp đấu nối điện: Vỏ hộp dùng loại polymer chịu nhiệt, chịu lửa, chịu thời tiết, chống tia UV… Các đầu nối trong hộp thường làm bằng đồng thau, phủ bạc hoặc thiếc.

– Các dây dẫn làm bằng đồng hoặc bạc.

Cấu tạo của tấm pin mặt trời

 

Tại Việt Nam, đến nay đã có 106 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 6.000 MW đang vận hành trong thời gian vừa qua đều sử dụng tấm quang điện công nghệ đơn tinh thể hoặc đa tinh thể. Công nghệ này ít tác động xấu đến môi trường hơn công nghệ màng mỏng vì phần lớn, chiếm đến 80-85% vật liệu là kính và khung nhôm là các vật liệu có giá trị, có khả năng thu hồi cao, tế bào quang điện chỉ chiếm có từ 3-5% khối lượng.

Các Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (Quyết định 13) và Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời (Thông tư 18) được ban hành giai đoạn vừa qua cũng đã quy định trách nhiệm của Chủ đầu tư trong việc tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng, thu dọn nhà máy điện mặt trời sau khi kết thúc dự án điện mặt trời theo các quy định, quy chuẩn về an toàn công trình và bảo vệ môi trường.

Việc xử lý tấm quang điện theo đúng quy định, quy trình tại Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt sẽ không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trong cả giai đoạn thi công, vận hành và khi kết thúc đời dự án.

Thực tế, hiện nay, phần lớn các nhà cung cấp tấm quang điện đều cam kết chịu trách nhiệm thu hồi xử lý, tấm quang điện sau thời gian sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay, quy mô, nhu cầu cần xử lý còn khá nhỏ do chỉ có lượng nhỏ tấm quang điện hư hỏng trong quá trình vận chuyển, lắp đặt, do đó các nhà đầu tư chưa đầu tư vào việc xử lý, thu hồi tấm quang điện.

Ngoài ra, tại Thông báo số 14/TB-VPCP ngày 07 tháng 2 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phát triển năng lượng tái tạo và những vấn đề liên quan, Thủ tướng Chính phủ giao: Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan khẩn chương nghiên cứu, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tấm quang điện và phương án xử lý tấm quang điện sau khi đã hết thời hạn sử dụng nhằm đảm bảo các yêu cầu về công nghệ, an toàn môi trường./.

Nguồn :http://www.erea.gov.vn/d6/vi-VN/news/Uu-diem-Dien-mat-troi-va-phuong-an-xu-ly-tam-quang-dien-6-213-103

Unisolar – đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực điện mặt trời, chuyên cung cấp các sản phẩm, giải pháp và dịch vụ lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại thị trường Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Liên Hệ